Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Trận_Stalingrad

Kết quả

Đại thắng Stalingrad của Liên Xô đã đe dọa đến cả Cụm Tập đoàn quân Nam của Đức.[79] Đây được xem là bước ngoặt quyết định về chính trị, quân sự và tâm lý của Chiến tranh thế giới thứ hai[80] vì đây là lần đầu tiên quân đội vô địch của nước phát xít Đức bị đánh bại trong một trận đánh tiêu diệt lớn, với gần 1/4 quân số toàn chiến trường Xô-Đức bị tiêu diệt. Không chỉ vậy, rất nhiều trong số những đơn vị Đức bị tiêu diệt là những đơn vị tinh nhuệ, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu (ví dụ như Tập đoàn quân số 6 từng là chủ công trong chiến dịch đánh bại Pháp năm 1940), dù có động viên tân binh thì quân Đức cũng không thể thay thế những đơn vị này được. Số tổn thất về lực lượng và phương tiện ấy đã ảnh hưởng tai hại đến tình hình chiến lược chung và làm rung chuyển tận gốc toàn bộ bộ máy chiến tranh của nước Đức. Vì cả quân Đức, Ý, Hungary, Rumani đều bị tiêu diệt trên sông Volgasông Đông nên uy tín của Đức với các nước đồng minh đã giảm đi rõ rệt. Bắt đầu có bất đồng, tranh cãi vì mất lòng tin vào bộ máy thống trị của Hitler, các nước bắt đầu mong làm thế nào thoát khỏi mạng lưới chiến tranh mà Hitler đã đẩy họ vào[81]. Theo Nguyên soái Zhukov, chiến thắng tại Stalingrad đã tạo thành một làn sóng vui mừng trên khắp thế giới cũng là một cổ vũ lớn đối với các dân tộc ở châu Âu đang nằm dưới sự chiếm đóng của Phát xít Đức.

Thảm bại ở Stalingrad - một bước ngoặt giúp cho Liên Xô nắm chắc lợi thế của mình - đã trở thành tin dữ nhất của nước Đức đang lúc thất thế. Thậm chí, thắng lợi này còn được xem là một trong những bước ngoặt quyết định cả lịch sử thế giới trong thế kỷ XX[1]. Cùng với những chiến thắng của quân Đồng Minh tại Tunisia, chiến thắng Stalingrad đã mang lại lợi thế và củng cố niềm tin thắng lợi cho toàn khối Đồng Minh.[18]

Về phía Đức, tuy thất bại ở Stalingrad nhưng quân đội phát xít Đức còn rất mạnh và nhiều tiềm lực. Sau đó chừng 6 tháng vào mùa hè năm 1943, quân Đức tổ chức một trận đánh lớn tại vòng cung Kursk như một nỗ lực cuối cùng nhằm giành lại thế chủ động tiến công chiến lược. Nhưng một lần nữa quân Đức lại thua trận và từ đó họ lún sâu vào thế bị động chống đỡ cho đến khi đầu hàng vào tháng 5 năm 1945. Trận Kursk cũng được xem là một bước ngoặt như trận thắng của Liên Xô tại Stalingrad vậy.[21] Quân Liên Xô đang thắng thế, lại hừng hừng khí thế báo thù, với đỉnh cao là trận Berlin vào năm 1945[1].

Đánh giá

Một góc thành phố Stalingrad sau trận đánh

Chiến bại quyết định tại Stalingrad được xem là trận thua thảm hại nhất của người Đức kể từ sau trận Jena (1806) trong những cuộc chiến tranh của Napoléon, và có thể còn nghiêm trọng hơn cả trận NormandieTây Âu vào năm 1944[1][82] Mặc dù phát xít Đức đã chiếm 90% thành phố nhưng những lực lượng Hồng quân còn lại vẫn tử thủ một cách kiên cường và quyết liệt. Đến cuối trận đánh, Hồng quân đã bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân số 6. Một số lực lượng của Tập đoàn quân số 4 cũng bị thương vong trong trận phản công của Hồng quân tại đây.

Khả năng cơ động của quân Đức là một nguyên nhân quan trọng cho thành quả mà họ đạt được trong đầu trận đánh. Trước Stalingrad, Hồng quân chỉ có thể huy động một lượng lớn binh sĩ và giành được chiến thắng trong một trường hợp duy nhất: Moskva. Quân Đức có thể đi vòng qua Stalingrad, vốn có giá trị không lớn về mặt quân sự và những cơ sở vật chất đã được di dời, hoặc tập trung lực lượng hướng xuống phía Nam tới dãy Kavkaz. Tuy nhiên, Hitler lại chọn cách ngược lại, phung phí không biết bao nhiêu binh sĩ thiện chiến trong những trận đánh đẫm máu trong một thành phố tan hoang; điều này mang lại nhiều lợi thế cho các lực lượng Hồng quân đồn trú và giúp Hồng quân có thời gian huy động một lực lượng khổng lồ để thực hiện đòn vu hồi bao vây Tập đoàn quân số 6. Một vài tướng lĩnh Đức cho rằng Hitler đã phung phí một trong những đơn vị quân tinh nhuệ nhất chỉ vì danh dự cá nhân. Tập đoàn quân số 6 được tái lập trong Trận Kursk, tuy nhiên thành phần của nó chủ yếu là những binh sĩ mới được động viên và sức mạnh của nó rõ ràng không thể bằng như trước kia được nữa.:386

Việc Hitler theo đuổi cùng một lúc quá nhiều mục tiêu cũng là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự bại trận của phát xít Đức ở Stalingrad. Ở phía cực Nam, Cụm Tập đoàn quân A nhận nhiệm vụ đánh chiếm vựa dầu của Liên Xô tại Kavkaz - đặc biệt là tại vùng Baku của Azerbaijan. Đó mới là mục đích ban đầu của chiến dịch và cũng được đánh giá là yếu tố quyết định để nhanh chóng đánh bại Liên Xô. Tuy nhiên về sau, nhận thấy địa hình khu vực Kavkaz quá hiểm trở, Hitler đã điều bớt binh lực của Cụm Tập đoàn quân B để chuyển sang chiến đấu tại Stalingrad - và vì vậy phát xít Đức không có đủ quân lực để đe dọa đến Baku. Ngược lại, nếu Hitler từ bỏ việc đánh Kavkaz thì Đức cũng có thể dồn quân từ Cụm Tập đoàn quân A lên Stalingrad để củng cố cạnh sườn yếu của Cụm Tập đoàn quân B và thậm chí cũng có thể giúp đỡ lực lượng này trong việc tác chiến trong thành phố. Rõ ràng tham vọng của Hitler đã vượt quá khả năng của quân Đức.[56]

Stalingrad cũng là nơi thể hiện ý chí và tính kỉ luật của cả hai phe tham chiến. Trong giai đoạn đầu, Hồng quân phải bảo vệ thành phố trước sự tấn công dữ dội của phát xít Đức. Tổn thất của họ lúc đó thật là khủng khiếp, ước tính rằng một tân binh tham chiến tại một số đơn vị tiền phương sẽ không sống sót quá một ngày, còn đối với một sĩ quan là ba ngày. Sự hi sinh của các chiến sĩ Hồng quân được bất tử hóa bởi dòng chữ khắc trên bức tường nhà ga xe lửa - vị trí đã "đổi chủ" đến 15 lần trong suốt chiến dịch - của một binh sĩ Hồng quân thuộc Sư đoàn Cận vệ số 13 (nguyên là Sư đoàn bộ binh số 100) của tướng Rodimtsev khi anh bị thương nặng và đang hấp hối:

Các binh sĩ Cận vệ của Rodimtsev đã chiến đấu và chết tại đây vì Mẹ Tổ quốc.

Các binh sĩ Đức cũng thể hiện tính kỉ luật cao độ của họ trong thời gian họ bị Hồng quân bao vây. Đây là lần đầu tiên việc này được thể hiện khi một lực lượng quy mô khổng lồ của phát xít Đức nằm trong một tình thế hết sức khó khăn. Đặc biệt vào giai đoạn cuối của chiến dịch khi thực phẩm và quần áo bị thiếu hụt, nhiều lính Đức bị chết đói, chết rét nhưng kỷ luật của Tập đoàn quân số 6 vẫn được giữ nghiêm minh cho đến tận giờ phút cuối cùng, khi mọi người đều nhận thấy rằng kháng cự là vô ích. Bản thân Tư lệnh Friedrich Paulus cũng tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của Hitler bất chấp các tướng lĩnh Đức khác - kể các Von Manstein - khẩn khoản yêu cầu ông nhanh chóng mở một cuộc phá vây thoát ra ngoài.

Vinh danh

759.560 binh sĩ, sĩ quan Liên Xô được trao tặng huân chương vì đã lập công trong chiến dịch Stalingrad từ 17 tháng 7 năm 1942 đến 2 tháng 2 năm 1943

Trong trận Stalingrad này, dù đã hứng chịu tổn thất to lớn (hơn cả thiệt hại của quân Đức) mà Hồng quân hoàn toàn đánh bại một lực lượng tinh nhuệ hạng nhất trong quân lực Đức trên Mặt trận Nga - Tập đoàn quân thứ sáu của Paulus, chứ không phải là những đội hình yếu ớt và tuyệt vọng như ở trận Berlin vào năm 1945.[1][21] Vì sự dũng cảm và anh hùng của các chiến sĩ Hồng quân bảo vệ thành phố, năm 1945 Stalingrad được phong danh hiệu Thành phố Anh hùng. Tháng 10 năm 1967, 24 năm sau ngày diễn ra trận đánh,[83] tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi được dựng lên ngọn đồi Mamayev Kurgan, đỉnh cao của thành phố. Đây cũng là nơi xây dựng khu tượng đài nổi tiếng rất to lớn để ghi nhớ trận đánh và tên của hơn một triệu chiến sĩ Hồng quân Xô Viết đã hi sinh tại Stalingrad. Khu phức hợp nhằm kỷ niệm các liệt sĩ trận vong tại Stalingrad bao gồm cả những ngôi nhà đổ nát trong thành phố được mọi người giữ nguyên trạng nhằm kỷ niệm trận đánh. Những chứng tích về các trận đánh ở Kho thóc Lớn, ở ngôi nhà Pavlov vẫn được bảo tồn để mọi người tham quan. Khoảng 50 năm sau trận ác chiến, những đống xương khô hãy còn phủ đầy các ngọn đồi gần thành phố.[21] Và đến tận bây giờ hài cốt của các liệt sĩ và những mảnh sắt thép vụn vẫn được tìm thấy trên đồi Mamayev như một biểu tượng của sự hi sinh to lớn của các chiến sĩ cũng như của thắng lợi rực rỡ của Hồng quân tại trận đánh mang tính bước ngoặt này.

Huân chương Suvorov hạng nhất đã được trao tặng cho G.K.Zhukov, A.M.Vasilevsky, N.N. Voronov, N.F.Vatutin, A.I.Yeryomenko, K.K.Rokossovsky vì có thành tích góp phần vào công tác lãnh đạo chung đưa cuộc phản công ở Stalingrad đến thắng lợi to lớn. Rất nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cũng được khen thưởng. Trung tướng Aleksandr Rodimtsev, Tư lệnh sư đoàn cận vệ số 13 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô Viết. Còn, thống chế Đức Friedrich Paulus bị bắt làm tù binh, ông tham gia vào một tổ chức của các tướng lĩnh Đức bị bắt làm tù binh, với mục đích kêu gọi chế độ Hitler chấm dứt chiến tranh và đàm phán với Liên Xô. Ông được thả vào năm 1953 và trở thành thanh tra công an ở Đông Đức vào cuối đời. Ông qua đời tại đây vào năm 1957.

Sau khi I. V. Stalin chết (1953), cùng với trào lưu chống sùng bái cá nhân Stalin, ban lãnh đạo Liên Xô đã đổi tên thành phố Stalingrad thành Volgograd nhưng trận chiến vĩ đại ở đây vẫn mang tên là trận Stalingrad.

Chiến thắng tại Stalingrad đã giúp cho uy tín cũng như vị thế chính trị của Stalin, Liên Xô và phong trào cộng sản được nâng cao đáng kể trên toàn thế giới[84]. Tờ báo The Daily Telegraph của Anh đã ca ngợi tinh thần chiến đấu của binh sĩ Liên Xô và tuyên bố chiến thắng của Hồng quân tại Stalingrad đã "cứu vãn nền văn minh châu Âu" [85]. Nước Anh cũng tổ chức một ngày lễ kỉ niệm được gọi là "Ngày Hồng quân" vào ngày 23 tháng 2 năm 1943, tròn 3 tuần sau chiến thắng này. Vua Geogre VI của Anh còn cho rèn một thanh gươm được gọi là Gươm Stalingrad, thanh gươm này về sau đã được đích thân Thủ tướng Anh Churchill trao tặng cho Stalin tại Hội nghị Tehran năm 1943 [86]. Tổng thống Mỹ Roosevelt cũng đã gửi một bức điện chúc mừng chiến thắng của Stalin và Liên Xô, trong đó ông đã gọi trận đánh Stalingrad là "một trong những chương đáng tự hào nhất trong cuộc đấu tranh của các dân tộc trên toàn thế giới chống lại chủ nghĩa phát xít" [87]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Stalingrad http://books.google.com.au/books?id=6NLC9Rl-olAC&p... http://users.pandora.be/stalingrad/ http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://collections.civilisations.ca/warclip/object... http://www.awesomestories.com/history/battle-stali... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/562720/B... http://books.google.com/books?id=JnB7cM1zUG4C&prin... http://video.google.com/videoplay?docid=4562967572...